Bố mẹ có thể giúp trẻ hiểu khái niệm toán học cơ bản thông
qua đếm số đồ chơi hay bước chân.
Phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc dạy toán cho
con từ sớm, thông qua các hoạt động hàng ngày. Điều này giúp xây dựng kỹ năng
cho trẻ, làm nền tảng cho quá trình học tập về sau.
1. Đếm số và lực lượng
Theo tiêu chuẩn của bang Maryland (Mỹ), trẻ được kỳ vọng sẽ
chứng tỏ được kỹ năng đếm số đơn giản trước khi vào mẫu giáo. Cụ thể, trẻ cần đếm
được đến 20, sắp xếp thẻ đánh số, xác định số lượng của một nhóm nhỏ mà không cần
phải đếm, hiểu rằng số lượng của một nhóm sẽ không thay đổi dù các vật được sắp
xếp theo trật tự nào.
Trẻ cũng cần nắm được lực lượng (số phần tử có trong tập hợp),
có nghĩa chúng nên hiểu rằng vật cuối cùng được đếm đại diện cho số lượng các vật
trong tập hợp.
Kỹ năng này rất dễ đạt được, thông qua việc tập đếm số đồ
chơi phải dọn dẹp hay số bước chân từ nhà bếp tới phòng ngủ. Phụ huynh có thể
chỉ các con số trên đồng hồ hay điện thoại để trẻ làm quen.
Khi vào cửa hàng tạp hóa, bạn hãy yêu cầu trẻ tìm các con số
nhất định. Khi đi xe trên đường, bạn hãy bảo con đọc các con số trên biển số xe
hoặc đếm xem có bao nhiêu xe đi qua.
Những trò chơi, hoạt động liên quan đến việc đếm to như nhảy
dây, nhảy lò cò hoặc vỗ tay cũng giúp nuôi dưỡng kỹ năng này.
2. Phép tính và tư duy đại số
Học sinh mẫu giáo thường phải làm các phép tính cộng trừ đơn
giản bằng cách sử dụng các đồ vật. Phụ huynh có thể để con làm quen với nhiệm vụ
này mỗi ngày, chẳng hạn như lấy đúng số lượng đĩa và nĩa được yêu cầu khi dọn
bàn cho bữa tối.
Ngôn ngữ nói với trẻ rất quan trọng, nên lồng yếu tố toán học
vào đó, ví dụ: "Chúng ta cần bao nhiêu chiếc đĩa nữa nhỉ?". Trong khi
chơi đùa, bạn có thể sử dụng đồ chơi và nói những câu như: "Mẹ sẽ đưa cho
con một trong những chiếc xe của mẹ. Con hãy tính xem bây giờ con có bao nhiêu
chiếc nhé".
3. Số và phép tính trong phạm vi 10
Đếm ngón tay, ngón chân, tiền hay đồng xu là cách hợp lý để
trẻ ghi nhớ các số từ 1 đến 10. Bạn có thể cùng chơi đồ hàng với trẻ, dùng đồng
xu để mua đồ chơi với số lượng xu khác nhau cho mỗi món. Trong lúc chơi, cả hai
hãy thảo luận về số lượng đồ chơi có thể mua được khi có 10 xu.
4. Đo lường và phân loại
Học sinh mẫu giáo sẽ phải sắp xếp đồ vật theo đặc điểm của
chúng (hình dạng, màu sắc và kích thước), hoặc xác định đặc điểm giúp đồ vật được
phân chia theo nhóm. Các em cũng phải sắp xếp đồ vật bằng một số đặc điểm đo lường
nào đó, chẳng hạn từ lớn hơn đến bé hơn.
Bố mẹ có thể dạy trẻ về đo lường từ sớm trong nhà bếp thông
qua việc sử dụng thìa hoặc cốc. Trẻ cũng có thể phân loại thìa đũa, quần áo vừa
khô hay đồ chơi trước khi mang đi cất.
Ngoài ra, trẻ mẫu giáo thường phải so sánh nhiều hơn và ít
hơn, dài hơn và ngắn hơn, nặng hơn và nhẹ hơn. Phụ huynh có thể giúp trẻ dễ làm
quen với nhiệm vụ ở trường mẫu giáo bằng cách nhấn mạnh các cụm từ so sánh khi ở
nhà. Khi trẻ đứng cạnh bạn trong nhà bếp, bạn hãy hỏi những câu như: "Con
lấy giúp mẹ cái tô lớn nhất nhé?", "Con đặt cái nĩa nhỏ hơn lên bàn
được không?".
5. Hình học
Kỹ năng hình học dễ đạt được từ sớm bao gồm gọi tên và xác định
hình dạng 2D như hình tròn, hình vuông, hình tam giác. Trẻ cần hiểu các hình có
kích cỡ hay hướng khác nhau vẫn có thể cùng thuộc một dạng. Ngoài ra, trẻ nên
nhận ra sự tương đồng giữa hình tròn và hình cầu, hay sử dụng những tên gọi
không chính thức như "hộp" và "quả bóng" để xác định vật thể
ba chiều.
Phụ huynh có thể hướng sự chú ý của trẻ đến các hình dạng được
tìm thấy trong môi trường xung quanh. Khi đi bộ, bạn hãy chỉ cho trẻ xem bánh
xe có hình tròn và yêu cầu trẻ tìm hình tròn nào khác. Trò Lego cũng là ý tưởng
hay để xây dựng các kỹ năng ban đầu về không gian.
>> Nguồn: Thùy Linh - Theo The Conversation