Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

Kỹ năng đọc nhanh

 
Sau một tuần đọc nhanh cuốn dạy đọc nhanh của Tony buzzan có một vài hướng dẫn thấy đúng và một vài thấy không hợp lý. Đúc rút lại mấy vấn đề sau:

 


Tầm quan trọng:

Đọc nhanh vô cùng quan trọng, nó không những tiết kiệm thời gian mà còn khiến cho người đọc tiếp thu nhiều hơn. Mình nhận ra rất rõ điều này, nếu trước đây trong quá trình đọc mình vẫn cảm nhận được những thay đổi xung quanh như tiếng ồn, người di chuyển thì nay gần như là không còn biết xung quanh diễn ra gì nữa. Sáng nay ngồi quán cafe đọc liền mạch 60 trang, ngẩng đầu lên đã thấy 20 phút trôi qua.

Đầu tiên phải nói tới là tốc độ đọc mỗi người đã hình thành từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đã là thói quen thì phải mất nhiều thời gian để thay đổi, có người đã sẵn việc đọc nhanh, có người thì lại ê a mãi không xong một trang. Nhưng tựu chung lại là ai cũng có thể luyện được đọc nhanh vì nó là kỹ năng.

Tốc độ di chuyển của mắt:

Muốn nhìn được mắt phải tập trung vào vật thể đó để ảnh rõ nét nhất. Nếu trên một dòng có 14 chữ mà để đoc chữ đó ta phải di chuyển mắt để nhìn rõ từng chữ một thì ta mất 14 điểm dừng, mỗi lần dừng mất 1/2 giây thì ta mất tới 7 giây để đọc xong một dòng. Vì vậy cần luyện mắt để tăng số chữ đọc được tại mỗi điểm dừng, có thể là mỗi dòng ta dừng 2 điểm hoặc chỉ một điểm ở giữa dòng.

Nâng cao hơn nữa, nếu mỗi dòng ta phải dừng một lần thì một trang có 25 dòng ta phải dừng 25 lần. Tương tự với dòng, trên 25 dòng đó ta sẽ giảm số lần dừng, đạt tới mức tôi đa là 1 lần dừng cho 1 trang giấy.

Lý thuyết là vậy, việc luyện tập việc hạn chế điểm dừng không phải dễ. Đầu tiên là phải để sách xa tầm mắt ra >60cm để cho vùng nhìn rõ của mắt rộng hơn. Khi để sách xa tầm mắt thì để di chuyển điểm nhìn rõ từ điểm A tới điểm B thì mắt sẽ phải điều tiết ít hơn, tiết kiệm thời gian hơn và làm mắt đỡ mỏi hơn. Tiếp theo chỉ còn mỗi việc là chủ động luyện tập việc lướt mắt thật nhanh, theo thói quen có thể bạn chỉ làm được vài chục giây là trở về trạng thái chậm như ban đầu nhưng dần dần thì mắt sẽ đủ khỏe và ta sẽ hình thành cho mình một thói quen lướt mắt cùng với cái đầu tập trung.

Không đọc lại

Đọc lại hóa ra tốn nhiều thời gian hơn ta tưởng, mỗi lần nhìn lại ta phải di chuyển mắt tìm kiếm điểm trước đó; sau đó lại phải quay lại cái điểm mà dừng trước đó nếu không muốn phải đọc lại cả đoạn từ điểm cũ tới điểm mới. Trong quá trình đọc ta phải chống lại mọi cám dỗ của việc đọc lại, điều này cũng sẽ hình thành cho ta thói quen đọc tập trung hơn để không phải đọc lại.

Áp dụng cho công việc chung, trong quá trình làm việc rất nhiều việc ta lặp lại bởi nhiều lý do như 1. Không biết dữ liệu cũ để đâu, 2. Không biết ta đã làm việc đó chưa 3. Thói quen làm theo bản năng không kế hoạch. Việc làm lại tốn nhiều thời gian và gây tâm trạng mệt mỏi. Thế nên cũng nên hạn chế việc lặp lại công việc đã làm bằng cách tổ chức dữ liệu, công việc khoa học hơn, trước khi làm gì cũng nên có kế hoạch rõ ràng.

Đọc ý thay vì đọc hết.

Theo thống kê thì 80% chữ trong 1 cuốn sách bất kỳ là những từ giúp cho đoạn văn trau chuốt hơn,  hoặc thông tin cũ rích mà ta đã biết. Thay vì đọc toàn bộ thì giờ phải lướt qua các chữ ít thông tin, những từ “thì, là, mà”, những đại từ, trạng từ, tính từ hoa hòe hoa sói; chỉ tập trung vào các chữ mang lại giá trị cao.

Trong quá trình đọc ta có thể dừng lại chiêm nghiệm về một ý tưởng nào đó của cuốn sách để nó thấm vào đầu, để nó liên kết với các ý tưởng khác có sẵn nhằm tăng năng lực nhớ. Cũng có lúc ta sẽ phải đọc lướt qua khi nội dung đó ta đã biết, hay những nội dung không dành cho chúng ta.

Thông thường thì càng đọc nhiều cuốn sách về một chủ đề thì ta càng hiểu nhanh những cuốn sách có cùng chủ đề. Lý do là các ý trùng lặp ở các cuốn sách, các thông tin để hiểu ý tưởng mới có thể ta đã có đầy đủ vì vậy mà hiểu cũng nhanh hơn.

Sử dụng vật hướng dẫn và Siêu hướng dẫn

Thực ra mình chỉ đồng ý với vài ý trong chương này, cũng có thể là không đủ năng lực để học được. Đồng ý là sử dụng bút sẽ làm ta bắt buộc phải theo tốc độ rê của bút nhưng nhược điểm là phân tâm trong việc rê bút, chưa kể tốc độ rê bút có khi còn chậm hơn tốc độ đọc. Mình thì dùng ngón tay trái hoặc phải di chuyển từ trên xuống dưới ở đầu dòng hoặc cuối dòng để giữ nhịp đọc có vẻ hợp lý hơn
Siêu hướng dẫn thì quá là phức tạp, chắc quá già để luyện được kiểu rê mắt theo. Để vài tháng nữa khi tốc độ đọc gia tăng với các phương pháp không phải siêu hướng dẫn thì tính cách áp dụng thế nào.
>> Nguồn: chienluocsong

0 nhận xét:

Đăng nhận xét