Nhiều chuyên gia giáo dục phương Tây đã tổng kết ra 10 lý do khiến hệ thống giáo dục Phần Lan lọt top đầu thế giới.
Không kiểm tra
Bình thường, người ta cho học sinh làm bài kiểm tra để đánh giá mức độ thông hiểu, làm chủ môn học của các em. Và điều này thường dẫn tới tình học sinh học kiểu nhồi nhét để qua được bài kiểm tra. Còn giáo viên thì dạy với mục đích duy nhất là để học sinh đạt điểm trên trung bình.
Phần Lan không thực hiện các bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa. Ngoại lệ duy nhất là kỳ thi xét tuyển quốc gia. Đây là bài kiểm tra tự nguyện dành cho học sinh năm cuối trung học phổ thông.
Tất cả trẻ em ở Phần Lan được xếp hạng dựa trên nền tảng cá nhân hóa và hệ thống xếp hạng do giáo viên của các em lập ra. Bộ Giáo dục phụ trách theo dõi sự tiến bộ tổng thể của học sinh. Bộ này lập các mẫu theo nhóm ở nhiều trường khác nhau.
Trách nhiệm của giáo viên
Tiêu chuẩn đặt ra đối với giáo viên ở Phần Lan rất cao. Chuyên gia giáo dục Pasi Sahlberg, tác giả cuốn sách “Các bài học Phần Lan: Thế giới có thể học gì từ sự thay đổi giáo dục ở Phần Lan”, nói rằng, không có từ “trách nhiệm giải trình” ở Phần Lan; trách nhiệm giải trình là phần còn lại sau khi trừ đi trách nhiệm.
Tất cả giáo viên phải có bằng thạc sĩ mới được giảng dạy. Với học sinh từ lớp 1-6, giáo viên phải có bằng thạc sĩ giáo dục trở lên. Với học sinh lớp 7-9, ngoài bằng cấp về giáo dục, giáo viên phải có bằng thạc sĩ chuyên ngành mà họ giảng dạy.
Các chương trình giảng dạy đều rất khó, trường đào tạo giáo viên đều rất kén thí sinh. Năm 2014, chỉ có 9% thí sinh thi vào khoa giáo viên của Đại học Helsinki được nhận vào học.
Ở trường học, nếu một giáo viên không đạt chuẩn hoặc công tác không tốt, trách nhiệm của hiệu trưởng là phải xử lý vấn đề đó.
Hợp tác, không cạnh tranh
Trong khi hầu hết người Mỹ và các nước khác coi hệ thống giáo dục giống như cuộc cạnh tranh lớn, người Phần Lan lại nghĩ khác. Ông Sahlberg trích một câu của tác giả Samuli Paronen: “Người chiến thắng thật sự không cạnh tranh”.
Giáo dục Phần Lan không phải lo lắng về các hệ thống đánh giá dựa trên công trạng. Không có danh sách trường học hay giáo viên xuất sắc, dẫn đầu. Môi trường dạy và học không phải là cạnh tranh mà là hợp tác.
Ưu tiên các điều cốt lõi
Trường học ở nhiều nước rất quan tâm điểm số, sự thông hiểu môn toán và các môn khoa học tự nhiên khác mà quên mất điều gì tạo nên môi trường học tập phù hợp, công bằng, khiến học sinh vui vẻ và khỏe mạnh.
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, các nhà giáo dục Phần Lan đã tập trung ưu tiên các điều cốt lõi sau:
-Giáo dục là một công cụ để cân bằng bất công xã hội.
-Tất cả học sinh được ăn miễn phí ở trường.
-Dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe
-Tư vấn tâm lý
-Hướng dẫn, hướng đạo cá nhân hóa, phù hợp cho từng học sinh
Tuổi đi học muộn
Trẻ em Phần Lan bắt đầu đi học phổ thông lúc 7 tuổi. Giáo dục bắt buộc chỉ kéo dài 9 năm. Việc học sau khi hoàn thành lớp 9 (16 tuổi) là tự chọn, tự nguyện.
Xét ở góc độ tâm lý, trẻ em cảm thấy thoải mái hơn khi không phải học nhiều. Trước khi đi học, trẻ em học mẫu giáo một năm.
Trẻ em Phần Lan bắt đầu đến trường từ năm lên 7. Ảnh: Andreas Meichsner.
Cung cấp các lựa chọn nghề nghiệp
Ở nhiều nước, trẻ em phải học liên tục 12 năm, hết lớp này đến lớp khác, để đến đích cuối cùng là thi vào đại học. Nhiều học sinh không tốn nhiều tiền học phí, học chỉ để lấy cái bằng không biết dùng vào việc gì.
Phần Lan không chú trọng ngã rẽ vào đại học mà cân bằng giữa học lên cao và học nghề. Ở cấp trung học phổ thông kéo dài 3 năm, học sinh được chuẩn bị cho kỳ thi xét tuyển quốc gia; những em có năng lực thực sự và muốn học tiếp sẽ đăng ký kỳ thi này. Phần Lan cũng có chương trình 3 năm đào tạo học sinh nhiều ngành nghề khác nhau.
Giờ học bắt đầu muộn
Các trường phổ thông ở Phần Lan thường bắt đầu giờ học lúc 9.00-9.45 sáng. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, học quá sớm trong ngày không tốt cho thể chất, sức khỏe và sự trưởng thành của học sinh.
Giờ học ở Phần Lan thường kết thúc vào lúc 2.00-2.45 chiều. Mỗi tiết học kéo dài hơn và giờ ra chơi cũng dài hơn.
Tất cả giáo viên Phần Lan có bằng thạc sĩ trở lên. Ảnh: Amanda Soila.
Thầy trò “quen mặt”
Trường học Phần Lan có ít học sinh và giáo viên. Một giáo viên thường dạy một nhóm học sinh liên tục 6 năm. Trong suốt thời gian này, giáo viên đóng vai trò cố vấn, người dẫn, thậm chí thành viên trong gia đình. Sự tin tưởng lẫn nhau, gắn kết giữa thầy và trò được xây dựng qua các năm khiến cả hai bên hiểu và tôn trọng nhau hơn.
Nhu cầu, cách học của mỗi học sinh là khác nhau, và giáo viên hiểu rõ những điều đó qua năm tháng. Họ có thể vạch ra đường hướng chính xác cho từng học sinh, giúp các em đạt được mục tiêu của mình.
Học sinh Phần Lan không phải thi cử. Ảnh: REX.
Không khí thư giãn
Môi trường học đường Phần Lan ít stress, nhiều sự quan tâm, thư giãn. Học sinh thường chỉ có vài tiết học mỗi ngày. Một ngày ở trường có tối đa 5 tiết học (với lớp 1-2), tối đa 7 tiết học (các lớp lớn hơn). Mỗi tiết kéo dài 45 phút.
Học sinh có thời gian ăn uống, giải trí hoặc đơn giản là thư giãn cùng nhau. Các giờ ra chơi 15-20 phút giúp các em vận động, ra ngoài hít thở không khí trong lành, giảm bớt áp lực…
Giáo viên cũng vậy, có thời gian, địa điểm để thư giãn, chuẩn bị giờ dạy, hoặc đơn giản là giao lưu với đồng nghiệp. Các phòng giáo viên được lập ra ở tất cả trường học.
Ít bài tập về nhà
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), học sinh ở Phần Lan có số lượng bài tập về nhà ít nhất thế giới. Các em chỉ mất nửa giờ mỗi tối là làm xong. Học sinh Phần Lan cũng không cần tới gia sư.
Không phải lo lắng về điểm số, xếp hạng thi đua, học sinh có thêm nhiều điều kiện để tập trung vào nhiệm vụ thật sự của mình – học tập và lớn lên.
>> Nguồn: Báo Tiền Phong
0 nhận xét:
Đăng nhận xét